Trong vòng 5 năm trở lại đây, trào lưu Kiến trúc Xanh phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Những công trình xanh (CTX) xuất hiện liên tục và có số lượng tăng nhanh trên toàn quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, trên cả nước đã có hơn 100 công trình đăng ký đánh giá và đạt chứng chỉ Công trình Xanh. Xu hướng Xanh hay tiêu chí Xanh đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng trong các cuộc Thi tuyển phương án Kiến trúc – Quy hoạch, hay các Giải thưởng kiến trúc.
Với hệ thống đánh giá khá đa dạng, hiện nay chủ đầu tư cùng với nhà thiết kế được tự do trong việc lựa chọn hệ thống đánh giá phù hợp với dự án của mình. Đi kèm hệ thống đánh giá chính là hệ thống các chỉ dẫn, hướng dẫn để cho các bên tham gia biết cách và quy trình để tạo ra một CTX.
Có thể điểm qua các tiêu chí đánh giá cơ bản của các hệ thống đánh giá CTX tại Việt Nam hiện nay như sau:
1. Hệ thống chứng nhận LOTUS – Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, gồm 10 tiêu chí:
– Sử dụng năng lượng hiệu quả;
– Tiêu thụ nước, tái sử dụng nước;
– Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường có khả năng tái chế;
– Sinh thái, hạn chế tác động xấu tới môi trường;
– Giảm rác thải, tái chế, tái sử dụng rác;
– Tiện nghi liên quan đến sức khỏe con người;
– Khả năng thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu;
– Tăng cường khả năng kết nối cộng đồng;
– Quản lý chặt chẽ mọi khâu trong xây dựng và vận hành;
– Có sáng kiến mới.
2. Hệ thống chứng nhận KIẾN TRÚC XANH VIỆT NAM – Hội KTS Việt Nam gồm 5 tiêu chí:
– Địa điểm bền vững;
– Sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả;
– Chất lượng môi trường trong nhà;
– Kiến trúc tiên tiến, bản sắc;
– Tính xã hội – nhân văn bền vững.
3. Hệ thống chứng nhận EDGE – IFC / Ngân hàng Thế giới, gồm 3 tiêu chí:
– Đánh giá mức sử dụng năng lượng hiệu quả: Hệ thống công trình và các hệ thống làm lạnh, sưởi ấm, hệ thống chiếu sáng;
– Đánh giá mức sử dụng nước hiệu quả: Mức tiêu thụ nước, xử lý và tái sử dụng nước;
– Đánh giá việc sử dụng vật liệu hiệu quả: Các vật liệu hoàn thiện trong và ngoài công trình.
4. Hệ thống chứng nhận LEED – Hoa Kỳ gồm 9 tiêu chí:
– Quá trình tương tác;
– Vị trí và giao thông;
– Sự bền vững của Địa điểm;
– Sử dụng nước hiệu quả;
– Năng lượng và Không khí;
– Sử dụng vật liệu và các nguồn lực;
– Chất lượng môi trường bên trong công trình;
– Cải tạo nâng cấp;
– Các ưu tiên cho khu vực.
Như vậy, nếu nhìn một cách tổng thể các hệ thống đánh giá trên, ta thấy được các tiêu chí chung đối với một công trình xanh cần đạt được là 3 yếu tố cốt lõi: Sử dụng năng lượng hiệu quả, Tương tác thân thiện môi trường và Tác động nâng cao ý thức cộng đồng.
Căn cứ các yếu tố cốt lõi trên, để đánh giá quá trình phát triển công trình xanh ở Việt Nam thì bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn có những vấn đề tồn tại, những xu hướng chưa thực sự đúng với bản chất. Các vấn đề này có thể do những nhận thức mang tính sai lầm, có thể liệt kê ra như sau:
1. Công trình Xanh là công trình trồng nhiều cây xanh
+ Tăng việc sử dụng các vật liệu dùng để chống thấm, các giá thể cho đất trồng làm bằng các vật liệu không thân thiện, lâu phân hủy đối với môi trường;
+ Tăng mức tiêu hao năng lượng cho chi phí vận chuyển, trồng và chăm sóc cây;
+ Tăng chi phí đầu tư với mức hiệu quả thấp.
(Toà nhà Bullitt Center là văn phòng Xanh nhất thế giới _ Net Zero Building _ Seatle – USA)
2. Công trình Xanh là công trình có tính thẩm mỹ cao
Các công trình xanh đã được hiểu là các công trình có giá trị thẩm mỹ cao, bởi đa số các giải thưởng kiến trúc hiện nay đang có xu hướng trao cho các công trình có yếu tố xanh. Bên cạnh đó, khi trình bày ý tưởng kiến trúc ban đầu với chủ đầu tư, để tăng tính thuyết phục, nhiều KTS đã tập trung vào các thủ pháp tạo xanh như thêm nhiều ảnh cây xanh vào các bản vẽ diễn họa (như một yếu tố thời trang). Các phối cảnh công trình được làm một cách cầu kỳ với các thủ pháp diễn họa và chế bản ảnh làm cho công trình rất bắt mắt. Nhưng trong thực tế thì các cây xanh được trồng thực không đẹp được như vậy, do sự sinh trưởng một cách tự nhiên (thế dáng, mầu lá, mầu hoa), thậm chí do thiếu sự chăm sóc, các cây xanh còn gây ảnh hưởng xấu đến thẩm mĩ chung của công trình khi đưa vào sử dụng, gây ra sự hụt hẫng cho khách hàng.
3. Công trình Xanh chỉ là công trình mới
Trào lưu Kiến trúc xanh, Công trình xanh mới được khởi xướng (tiền thân là trào lưu Kiến trúc hữu cơ – cuối thế kỷ 19) và phát triển mạnh mẽ trong hơn 1 thập kỉ vừa qua. Do đó, CTX thường được hiểu là các công trình mới, dự án mới được xây dựng. Thực tế là có rất nhiều công trình cũ đã được xây dựng từ rất lâu, thậm chí từ cổ xưa nếu đem đối chiếu với các tiêu chí xanh thì đạt và vượt các chỉ tiêu. Các công trình này đã “xanh” từ lâu, nhưng vào thời điểm chúng được xây dựng thuật ngữ CTX chưa xuất hiện. Các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu và phê bình cần nghiên cứu, tìm kiếm, khảo sát, đề xuất những bài học kinh nghiệm cũng như để tôn vinh “giá trị xanh” cho các công trình cũ – cổ đó.
4. Công trình Xanh là công trình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất
Điều này không hoàn toàn đúng vì tiêu chí năng lượng chỉ chiếm 30-35% trong hệ thống tiêu chí đánh giá CTX. Thậm chí trong nhiều trường hợp, khi so sánh các công trình có cùng tính chất, quy mô và mục đích sử dụng thì công trình được đánh giá là CTX có mức độ tiêu thụ năng lượng cao hơn. Mặt khác, việc theo đuổi mục tiêu xanh và mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng không phải lúc nào cũng cùng hướng, thậm chí đôi chỗ đối lập, ví dụ như để trồng cây xanh trên cao sẽ phải tiêu tốn nhiều năng lượng cho việc tưới và chăm sóc…
5. Công trình Xanh chỉ do Chủ đầu tư hay Lãnh đạo chính quyền địa phương quyết định
Một trong những tiêu chí quan trọng đối với CTX là việc hướng đến cộng đồng. CTX là các công trình có các tiện ích hướng người sử dụng đến việc quan tâm, có trách nhiệm và các hoạt động bảo vệ môi trường. Có thể kể đến một số ví dụ cụ thể như: Đạp xe đạp thay cho đi xe máy và ô tô; sử dụng tiết kiệm nước, tiết kiệm điện bằng việc tận dụng chiếu sáng – thông gió tự nhiên, hạn chế sử dụng điều hoà không khí; phân loại rác từ nguồn… Chính vì vậy, CTX cần có sự đón nhận và ủng hộ của cộng đồng người sử dụng – Vì chính các hoạt động hướng đến môi trường sẽ khẳng định tính xanh cho công trình một cách bền vững. Vì vậy, CTX không chỉ là bước xây dựng ban đầu mà còn phải đảm bảo qua quá trình vận hành. CTX không chỉ nằm ở giai đoạn đầu tư hay phụ thuộc vào ý tưởng của KTS và ý chí chủ quan của CĐT. Ở ta, đã có lãnh đạo chính quyền quan tâm và muốn tạo nhiều CTX tại địa phương mình, nhưng với tư duy ý chí lãnh đạo – sử dụng mệnh lệnh, mới chỉ chú ý vào việc tuân thủ các chỉ số xanh trong xây dựng mà chưa quan tâm đến thói quen sử dụng và vận hành của người sử dụng. Thực tế hiện nay đang có mấy xu hướng cần phải quan tâm lưu ý:
– Các chủ đầu tư bất động sản muốn làm CTX để hỗ trợ việc quảng cáo bán hàng;
– Các KTS muốn làm CTX để nâng cao thương hiệu, danh tiếng cá nhân;
– Các nhà lãnh đạo quản lý chính quyền (bản chất cũng là CĐT), muốn có CTX để tạo ra sự khác biệt, nâng cao hình ảnh địa phương.
Tất cả các xu hướng này, xin được gọi chung là tư duy mục đích, tư duy lợi ích hay tư duy “đỏ”. Như đã trình bày ở trên, việc tạo ra một CTX đòi hỏi sự kết hợp rất nhiều khâu và phụ thuộc vào ý thức của rất nhiều chủ thể tham gia. Việc 1 chủ thể bằng lợi ích cá nhân tham gia sẽ không đảm bảo sự thành công của dự án. Bởi lẽ CTX thực sự không chỉ dựa vào các tiêu chí đánh giá trên giấy, bản thân các tiêu chí đánh giá này cũng chỉ đúng và có giá trị tại thời điểm đánh giá. Việc vận hành CTX là một quá trình kéo dài, có sự tham gia và ảnh hưởng rất lớn của những người sử dụng và vận hành sau này.
Những chủ thể sau này nếu không được sự thuyết phục, có sự đồng cảm với CĐT, Nhà thiết kế (những người tham gia giai đoạn đầu của dự án) sẽ không tiếp tục vận hành công trình như trong thiết kế. Đặc biệt, khi họ nhận ra rằng việc xây dựng công trình này không có xuất phát điểm từ tư duy nhân văn trong sáng, khi đó sự thất vọng là không thể tránh khỏi. Bất cứ người nào đã sử dụng màu để vẽ đều biết rằng khi pha màu xanh lá cây với màu đỏ thì màu nhận được sẽ là màu xám.
(Giải pháp trồng cây trên mái rất tốn kém, khó khăn trong quá trình vận hành)
6. Công trình Xanh chỉ là sản phẩm xây dựng cụ thể
CTX đang được hiểu như một thực thể công trình xây dựng, theo nghĩa hẹp. Điều này không toát lên được ý nghĩa và tác dụng của CTX đối với đời sống xã hội và cộng đồng. Nếu nhìn kĩ vào hệ thống tiêu chí đánh giá CTX, ta sẽ thấy đằng sau đó chính là việc yêu cầu về một hệ sinh thái của các mối quan hệ tự nhiên và quan hệ xã hội: Công trình – môi trường xung quanh; con người – tự nhiên; chủ đầu tư – nhà thiết kế – người xây dựng – người vận hành – người sử dụng… Các mối quan hệ này luôn bị đòi hỏi ràng buộc về sự hài hoà, song song tồn tại một cách bền vững, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Để đạt được sự cân bằng này, ý thức về phát triển bền vững được hình thành ngay từ khi khởi động ý tưởng đầu tư và phát triển, thông qua những hành vi cụ thể, các khâu của dự án… Ý thức này được truyền dẫn từ CĐT, KTS, qua các nhà thầu xây dựng rồi đến người sử dụng và vận hành công trình. Đây chính là đóng góp quan trọng nhất của CTX đối với cộng đồng.
7. CTX chỉ gồm công trình đạt chứng chỉ Xanh
Thực tế là có rất nhiều công trình đạt hệ thống các tiêu chí đánh giá CTX, tuy nhiên do CĐT không có nhu cầu xin chứng chỉ CTX nên ít được biết đến. Việc các công trình này không được biết đến do không được truyền thông rộng rãi sẽ làm các nhà quản lý, chủ đầu tư, các nhà thiết kế và cộng đồng mất đi cơ hội học hỏi những kinh nghiệm có giá trị từ những công trình này.
Thay lời kết
Để trào lưu Kiến trúc Xanh được phát triển mạnh mẽ hơn và bền vững hơn ở Việt Nam, việc tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi một giai đoạn phát triển là vô cùng quan trọng. Trong quá trình hội nhập với các trào lưu tiên tiến của thế giới, chúng ta vừa phải làm, vừa phải thử nghiệm và phải học hỏi. Do đó, nếu có sai lầm là việc không thể tránh khỏi. Việc tự nhìn lại mình, cập nhật và điều chỉnh lại cách làm, phương pháp luận, và cả tư duy định hướng sẽ làm cho công cuộc sáng tạo ra các tác phẩm kiến trúc xanh của giới KTS được đúng đắn hơn, sáng suốt hơn – Đúng với định hướng căn bản của Kiến trúc Xanh là nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, phục vụ con người một cách tốt đẹp hơn và nhân văn hơn.
ThS.KTS Nguyễn Huy Khanh
Theo tapchikientruc
LỊCH HỌC DỰNG HÌNH SKETCHUP CĂN BẢN TỔNG HỢP - THÁNG 10/2020
Nội dung cụ thể bạn vui lòng xem trên poster nhé.
T.H.K.T chân thành cảm ơn bạn <3
Đăng ký học tại:http://thktstudio.vn/dangkikhoahoc
Hotline: 0963 90 48 90
Đồng phục của Hutech "nhuộm màu" lớp học của T.H.K.T ^^
Đây là lớp Đào tạo DỰNG HÌNH SKETCHUP CĂN BẢN chiều ngày 06/01/2016, một lớp toàn các Sinh viên Nội thất của trường Hutech tại T.H.K.T
Chúng tôi luôn cố gắng đem đến SỰ HÀI LÒNG CHO CÁC BẠN! ^^
Cảm ơn các bạn rất nhiều! <3
Truy cập trong ngày | : | 3826 |
Truy cập trong tuần | : | 12089 |
Truy cập trong tháng | : | 63471 |