ARCHI-LOGIC - MỘT GÓC NHÌN VỀ ĐÀO TẠO KIẾN TRÚC TẠI PHÁP

Được đăng bởi Vũ Ngọc Nam 9/27/2016 8:00:57 PM
CHIA SẺ:

Đào tạo kiến trúc ở Pháp có những đặc trưng riêng khác biệt so với giảng dạy ở Việt Nam. Sự khác biệt trong văn hóa, trong quan điểm kiến trúc, nghệ thuật dẫn đến sự khác biệt về quan niệm, tư duy trong phương pháp dạy và học. Việc thích ứng, hòa nhập vào giới học thuật này tại một nền văn hóa xa lạ chưa bao giờ là dễ dàng với một sinh viên nước ngoài.

Kiến trúc được giảng dạy trong ENSA (hệ thống trường kiến trúc quốc gia) được tổ chức thành ba cấp độ dựa trên hệ thống LMD (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ). Chương trình giảng dạy năm đầu tiên bậc cử nhân (Licence) của kiến trúc ở Pháp được xây dựng một cách khá bài bản và hợp lý. Từ phương pháp hướng dẫn tiếp cận, phương pháp phát triển và cách đánh giá trong đồ án đến các môn học song song, bổ trợ, tất cả đều hướng đên việc giúp cho sinh viên nhạy cảm với một văn hóa nhìn nhận đánh giá, một cách thức tư duy về kiến trúc dựa trên lập luận, tính hợp lý; thông qua đó có thể thấy được bộ mặt chung trong khuynh hướng đào tạo kiến trúc sư ở Pháp. 

Sự nhập môn trong kiến trúc có một tầm quan trọng nhất định trong việc hình thành quan niệm ban đầu cho sinh viên mà từ đó có thể ảnh hưởng đến cách tư duy, nhìn nhận về sau này. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn qua hôị thảo này đưa ra những góc nhìn, đánh giá về sự đào tạo năm đầu tiên ở ENSA một cách hệ thống, tổng quát từ sự đúc kết những quan sát và trải nghiệm của bản thân. Vì trình độ và kinh nghiệm cá nhân có hạn nên những quan điểm chúng tôi đưa ra trong bài viết có thể mang tính chủ quan và sai lệch nhưng chúng tôi hi vọng có thể truyền tải một phần nào đó tinh thần của việc dạy và học kiến trúc ở Pháp đến những ai quan tâm.

Cách tiếp cận kiến trúc và những đồ án đầu tiên
Khác với một đồ án thực tế, đồ án sinh viên nói chung thường chỉ tập trung khai thác những khía cạnh nhất định trong kiến trúc nên trong quá trình hướng dẫn, giáo viên phải biết lựa chọn bỏ qua cái gì, tập trung vào cái gì, điều này hoàn toàn không dễ dàng. Một công trình được xây dựng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, quan tâm đến rất nhiều mảng: nhu cầu sử dụng, bài toán kinh tế, kết cấu, quy định đô thị, luật xây dựng,…Một đồ án sinh viên với mục đích học, nghiên cứu thì không thể bao hàm hết những yêu cầu như vậy. Vậy thì trong những năm đầu tiên, giáo viên sẽ cho sinh viên tiếp cận với những đồ án gì và như thế nào?

Học những nền tảng căn bản
Những kiến thức căn bản giống như móng một ngôi nhà, móng không vững chắc thì nhà xây khó vững. Không gian là một biểu hiện hình thức của kiến trúc, là một công cụ giúp đạt được những mục đích mà kiến trúc sư muốn hướng tới. Những đồ án đầu tiên vì thế thường làm việc trên những không gian nhỏ, hoặc không gian trừu tượng mà không có chức năng cụ thể nhằm mục đích cho sinh viên nghiên cứu những nền tảng căn bản về công cụ này.

Bài tập nghiên cứu những khái niệm về không gian 
Mục đích của bài tập nhằm mổ xẻ những khía cạnh liên quan đến không gian giúp sinh viên có một cái nhìn nhiều chiều và sâu sắc hơn về nó, vượt qua những góc nhìn thông thường về hình học để thấy được những yếu tố về thời gian, cảm giác,…

Bài tập không yêu cầu đi sâu vào lý thuyết mà chỉ đơn giản rèn luyện sinh viên tập đánh giá, nhìn nhận không gian dưới một góc nhìn kiến trúc, có thể bắt nguồn từ những suy nghĩ cảm tính, những trải nghiệm cá nhân nhưng là những bước đầu về hình thành cơ sở và lập luận.

Bài tập về các công cụ của không gian 
Trong học kỳ, thay vì đi trực tiếp vào một đồ án lớn, giáo viên đưa ra nhiều bài tập nhỏ nghiên cứu về các thành phần cơ bản của không gian: tường, mặt đứng, cầu thang và cuối cùng là bài tập kết hợp những kiến thức về 3 thành phần này để hoàn thiện không gian một ngôi nhà với giới hạn cho sẵn, nhằm đáp ứng những yêu cầu về một chức năng cụ thể do sinh viên tự lựa chọn.

+ Bài tập về mặt đứng: với một khung cảnh tự chọn, sinh viên làm việc với façade (mặt đứng) trong mối liên hệ với khung cảnh đó nhìn từ bên trong khối hộp
+ Bài tập về tường: Trong một khối hộp với kích thước cho sẵn, sinh viên nghiên cứu sử dụng những bức tường trong sự kết hợp với façade.
+ Bài tập về cầu thang: đặt chồng hai khối hộp với kích thước xác định và tạo một cầu thang di chuyển giữa hai khối hộp, sinh viên có thể tác động đến façade và thêm tường vào trong không gian

Những bài tập này hoàn toàn mở, không ép buộc một góc nhìn nào về các yếu tố này, sinh viên trong quá trình tìm tòi tự biện luận cho những giá trị mà các yếu tố này mang lại cho không gian.

Học thói quen cảm nhận, phân tích, tập phản xạ quan sát đánh giá 

Mục đích của những đồ án năm nhất không chỉ nhằm cung cấp kiến thức chuyên ngành mà thông qua đó giúp sinh viên nâng cao khả năng cảm thụ, rèn luyện thói quen cảm nhận phân tích và biến nó thành một phản xạ khi đánh giá kiến trúc.

Trong năm học, những bài tập phân tích không gian nơi sinh viên sinh sống, hay những buổi tham quan đô thị, công trình kiến trúc dưới sự hướng dẫn của giáo viên là một công cụ hết sức hiệu quả cho việc truyền tải kiến thức một cách trực quan. Giáo viên còn khuyến khích sinh viên tập quan sát, phân tích, ghi chép những gì mắt thấy tai nghe, những gì cảm nhận được trong đời sống sinh hoạt, trong cuộc sống đô thị hằng ngày vì tất cả những kiến thức đó đều có thể trở thành nguyên liệu cho việc thiết kế kiến trúc. Việc học trở thành một phản xạ mọi lúc mọi nơi.

Học thử nghiệm, học sai lầm
Khi nền tảng kiến thức chưa vững vàng, việc thử nghiệm những hướng phát triển khác nhau sẽ giúp sinh viên tự tìm tòi và rút ra những nhận xét, kinh nghiệm sau mỗi bước đi. Với sự hỗ trợ của giảng viên, sinh viên sẽ dần học cách thay những quyết định cảm tính thành những quyết định dựa trên cơ sở lập luận.
Trường học tạo ra để chúng ta có thể sai lầm và học được từ sai lầm. Vì thế giáo viên luôn khuyến khích sinh viên thử nghiệm những hướng đi mới, tìm tòi và sáng tạo.

Phương pháp làm việc chính là kiến thức quý báu nhất

Chương trình đào tạo kts cho phép bạn làm việc với nhiều thể loại công trình khác nhau: từ nhà ở, chung cư, văn phòng, công trình công cộng như trường học, bệnh viện, đến các công trình văn hóa như bảo tàng, trung tâm nghệ thuật,…Nhưng cần phải biết là trong 3 năm học đại học, giáo viên không hướng đến mục đích dạy hết cho sinh viên về tất cả các thể loại công trình. 3 năm này thực ra mang tính định hướng, kiến thức chung chứ hoàn toàn không chuyên sâu về bất cứ mảng nào.

Vậy thì điều gì làm nên giá trị của thứ mà bạn học qua mỗi đồ án? Những kiến thức chuyên về thể loại đó là một phần, nhưng quan trọng hơn hết, chính là học phương pháp làm việc, những kiến thức chung, tổng quát mà sinh viên có thể áp dụng cho nhiều đồ án với những thể loại công trình khác nhau.

Hệ thống ensa cho phép mỗi năm học được chia ra thành nhiều atelier (xưởng) khác nhau, mỗi giáo viên phụ trách được tự do trong việc lựa chọn nội dung đồ án và phương pháp giảng dạy. Vì thế không những chương trình, kiến thức sinh viên học được mà ngay cả phương pháp làm việc cũng khá đa dạng.

Đồ án nhà khối hộp thực tế là một đồ án về không gian: về sử dụng đặc rỗng, ánh sáng, bố cục, tỉ lệ,… trong mối liên hệ với công năng sử dụng, trải nghiệm không gian. Công năng nhà ở chỉ là một yêu cầu để cụ thể hơn về chức năng của không gian, và điều đó không có nghĩa là với kiến thức học được sinh viên chỉ có thể áp dụng vào thể loại nhà ở. Thực tế những kiến thức và cách làm việc tôi học được từ đồ án này được vận dụng rất nhiều cho đến bây giờ, trong những đồ án về trường học, về nhà ga, trung tâm văn hóa,…

Tư duy lập luận- Ý thức đánh giá, làm việc không dựa vào cảm tính

Trong môi trường học tập cũng như trong cuộc sống, chúng ta được tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, đôi khi trái chiều nên phản xạ tiếp nhận, đánh giá, chọn lọc là cần thiết. Ngoài kiến thức và khả năng, thói quen đánh giá là thứ chúng ta có thể học được và là thứ vô cùng quan trọng. 

Trong quá trình học, đặc biệt là môn đồ án, sinh viên sẽ khá quen thuộc với những câu hỏi của giáo viên đại loại như: “Tại sao em làm thế này? Nhằm mục đích gì? Tại sao lựa chọn này lại tối ưu hơn những lựa chọn khác?” Điều đó có nghĩa là sinh viên phải học cách tư duy lập luận trong mỗi bước phát triển đồ án, không có những chọn lựa, những phương án mang tính ngẫu nhiên, cảm tính.

Định hướng trong đồ án

Tìm ý tưởng là bước quan trọng trong việc định hướng đồ án, không có định hướng rõ ràng cũng giống như việc đi một con đường mà không biết đích đến. 

Chúng ta thường có thói quen bắt chước những gì chúng ta đã từng gặp, từng nhìn thấy và ấn tượng bởi nó. Nhưng việc ghép nối những ý tưởng bất chợt đến trong đầu mà không có một định hướng rõ ràng sẽ tạo nên một sản phẩm chắp nối. Mỗi ý tưởng đều hay không có nghĩa là ghép chúng lại với nhau sẽ cho một sản phẩm tốt!

Một định hướng thật súc tích, đơn giản nhưng rõ ràng và hợp lí sẽ là cơ sở cho nhiều khai triển khác nhau. Một định hướng và nhiều khai triển sẽ tốt hơn là mò mẫm mà không có định hướng rõ ràng. Trong quá trình phát triển các phương án, nên để tâm đến ý tưởng, mục đích đặt ra ban đầu: “liệu phương án này có đáp ứng mục tiêu đề ra?” “liệu sự thêm thắt này có phục vụ cho ý tưởng chính?”…Những câu hỏi như thế sẽ giúp bạn không bị chệch hướng hay tạo ra một sản phẩm chắp vá của vô vàn ý tưởng bất chợt.

Ví dụ về đồ án facade: đồ án yêu cầu làm một façade nhìn ra không gian bên ngoài là một khung cảnh tự chọn. Trước khi đi vào tìm ý, phải hiểu định hướng của đồ án là gì, ý đồ giáo viên muốn mình làm là gì. Và muốn hiểu phải tự đặt câu hỏi cho mỗi yếu tố trong đề bài: Tại sao lại chọn một paysage, tại sao lại làm việc chỉ với 1 façade, tại sao lại là nhìn từ trong ra ngoài.

Façade có rất nhiều vai trò. Nhưng phải hiểu ý đồ của đồ án để biết định hướng như thế nào. Façade là sự ngăn cách nhưng cũng là sự kết nối giữa không gian bên trong và không gian bên ngoài. Làm việc với façade chính là cách thay đổi, định hướng một góc nhìn, một cảm nhận. Ví dụ ở đây là làm việc với một paysage, có nghĩa là đồ án thiên về thị giác chứ không phải về ánh sáng, cách âm cách nhiệt,…

Phân tích công trình tham khảo – “học hỏi” hay “sao chép”

Trước khi đi vào đồ án cá nhân, sinh viên thường có một bài tập về phân tích những công trình tham khảo. Những công trình tham khảo bao giờ cũng được chọn lọc bởi giáo viên nên chắc chắn những kiến thức học được từ nó có thể áp dụng cho đồ án sau đó. Phân tích một công trình nói chung thường có rất nhiều khía cạnh, nhưng phải tùy thuộc vào đồ án đang làm là gì để biết nên nghiên cứu theo hướng nào
Mục đích của việc phân tích này là gì? Là để tham khảo, là để hiểu người ta đã làm nó như thế nào và học hỏi. “Học hỏi” chứ không phải “sao chép”!

Thế nên một bài tập phân tích không chỉ đơn giản là đi tổng hợp những gì người ta đánh giá về nó. Quá trình phân tích phải tự đặt nghi vấn với những thông tin tìm được, chọn lọc, đối chiếu và kết hợp với những kiến thức cá nhân để đánh giá bao quát, trọn vẹn. Quá trình này sẽ giúp chúng ta hiểu được công trình, biến những kiến thức của người khác thành của mình. Phải hiểu thì mới có thể áp dụng được!

Chuyện đạo nhái: đôi khi chúng ta đi đến cùng một kết quả với hình thức hay thậm chí nội dung giống một sản phẩm đã tồn tại, chuyện đó không quá nghiêm trọng trong việc học kiến trúc. Vì phải hiểu là việc học là để tìm kiến thức, chúng ta đi cùng một con đường như họ, ra sản phẩm như họ nhưng chúng ta vẫn hiểu được con đường mình đi và học được từ nó, đó mới là điều quan trọng. Tất nhiên, như một sự trung thực đối với bản thân và sự tôn trọng quyền tác giả, những tham khảo phải được dẫn nguồn rõ ràng trong khi trình bày.

Công cụ để trình diễn hay công cụ để làm việc
Chúng ta khá quen thuộc với những công cụ để trình bày như mặt bằng, mặt cắt, mô hình, phối cảnh. Sự tổng hợp những công cụ này cho cái nhìn đầy đủ về không gian, giúp việc truyền tải một đồ án đến người đọc được dễ dàng hơn. Nhưng cũng cần phải biết rằng, những công cụ này cũng rất đắc lực trong việc tư duy phát triển đồ án.

Vẽ tay – công cụ truyền thống nhưng hiệu quả

Trong 1-2 năm đầu, hầu hết các giáo viên đều yêu cầu sinh viên thể hiện đồ án bằng tay. Không phải vì họ là kiểu người thích cách làm việc truyền thống hay muốn làm khó sinh viên mà thật sự, vẽ tay là một công cụ làm việc cực kỳ hữu ích và cần thiết phải rèn luyện, nhất là với những người mới học kiến trúc. Tại sao?
Trước tiên, trong quá trình phác thảo ý tưởng, vẽ tay là cách truyền đạt nhanh từ ý tưởng trong đầu thành hình vẽ. Hình phác thảo không chỉ là một cách làm ý tưởng hiện hữu, mà chính nó cũng là một công cụ để tìm ý tưởng. Đặc trưng của phác thảo chính là sự không chính xác. Một bức tường được vẽ bằng một nét đậm trên mặt bằng cũng có thể nhìn như một cửa sổ. Có nghĩa là chính sự không rõ ràng của mớ lộn xộn những nét vẽ đó cho ta nhiều góc nhìn khác nhau. Và đôi khi những lỗi tình cờ trong bản vẽ có thể mở đường cho những ý tưởng không định trước. 
Những phần mềm được lập trình để giúp chúng ta vẽ nhanh hơn, chính xác hơn. Một cú clic chuột có thể thay thế hàng ngàn thao tác vẽ bằng tay. Đó là cái lợi nhưng cũng là cái hại. Một khi mà những công việc đòi hỏi phải suy nghĩ được thực hiện một cách tự động, máy tính suy nghĩ thay chúng ta, chúng ta dễ có nguy cơ đánh mất ý thức, thói quen suy nghĩ về mỗi nét chúng ta vẽ.

Ví dụ như chuyện vẽ nội thất cho một căn nhà, với các phần mềm như autocad, archicad, chúng ta có một thư viện với đầy đủ các loại nội thất được vẽ sẵn rất chi tiết, chỉ việc copy vào đính vào. Tuy nhiên, nội thất không phải là chỉ đơn giản là để lấp đầy không gian, mà chính nó cũng là một yếu tố tạo nên không gian. Chính vì thế việc vẽ nó đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến từng yếu tố hình dáng, kích thước, vị trí mà với sự dễ dàng của việc vẽ máy, chúng ta thường dễ vô tâm.

Ví dụ: mô hình đồ án trường học, làm việc với nhiều echelle khác nhau, mỗi echelle cho phép suy nghĩ, tư duy về một vấn đề khác nhau của đồ án. Những công việc thao tác trực tiếp bằng tay rất sensible và nó kích thích việc suy nghĩ một cách thấu đáo khi làm việc

Phối cảnh không chỉ để trình bày cho người khác hiểu về không gian mà ngay trong quá trình suy nghĩ đồ án, việc vẽ ra những phối cảnh đi kèm với mặt bằng, mặt cắt cũng cho phép hình dung rõ ràng hơn về ba chiều không gian, về những đặc rỗng, liên kết mà mình không nhìn thấy được khi chỉ vẽ 2D.

Sự đánh giá cả một quá trình làm việc
Quá trình phát triển đồ án rất quan trọng đối với sinh viên, ngay trong giai đoạn hướng dẫn đồ án đến việc đánh giá kết quả, giáo viên luôn coi trọng quá trình làm việc từ những bước đầu tiên đến kết quả cuối cùng mà sinh viên trình bày trong bài nộp. Trong cột điểm tổng kết luôn có ít nhất 50% là control continu, có nghĩa là điểm quá trình làm việc và các bài nộp giai đoạn. Bài nộp đồ án đôi khi giáo viên sẽ yêu cầu sinh viên trình những bước phát triển để đi đến kết quả cuối cùng, hoặc cũng có người yêu cầu một quyển sổ note trong quá trình sinh viên làm việc. 
Sự đánh giá như thế này là cần thiết vì thông qua đó có thể thấy được cách sinh viên tư duy, phát triển đồ án có khoa học, có hợp lý hay không, những kết quả trình bày trong bản vẽ cuối cùng là từ sự nghiên cứu tâm huyết hay là sự cóp nhặt một cách vô thức.

Những mô hình nghiên cứu trong quá trình phát triển đồ án với nhiều tỉ lệ khác nhau được yêu cầu giữ lại và trình bày trong buổi bảo vệ đồ án.

Chất lượng đồ án hay chất lượng của bài thể hiện

Nội dung và hình thức là 2 khái niệm chúng ta hay nói đến khi đánh giá một vật thể. Nội dung ở đây mình ám chỉ đến chất lượng đồ án và hình thức là sự trình bày. Tôi luôn quan niệm, chính nội dung mới làm nên giá trị thực sự của đồ án, hình thức chỉ là cách truyền tải nội dung đó đến với người khác. Điều này không có nghĩa là hình thức không quan trọng. Chắc chắn là khi chúng ta làm trong một môi trường làm việc thực tế, hình thức đóng vai trò không hề nhỏ; muốn sản phẩm của mình hấp dẫn khách hàng, muốn thắng trong các cuộc thi thì việc trình bày sao cho đẹp, bắt mắt là hết sức cần thiết. Nhưng khi chúng ta ở trong môi trường học, nên nhận thức là chúng ta đang chiến đấu để tìm kiến thức, chứ không phải để tìm khách hàng. 

Ngay từ những năm đầu tiên, sinh viên đã được dạy cách đặt yếu tố hợp lý lên đầu tiên trong việc thể hiện trình bày. Cần phải tư duy về nó giống như khi làm đồ án vậy, luôn phải tự đặt câu hỏi khi mình thể hiện: “Mình đang muốn truyền tải cái gì?” “Với ý tưởng này thì cách truyền tải nào là tối ưu, công cụ nào là tối ưu?” “Liệu những thêm thắt về hình thức này có giúp ý tưởng rõ ràng hơn không hay chỉ làm sao nhãng điều mình muốn nói?”
 
Lấy ví dụ về một phối cảnh vẽ cho rendu đồ án nhà ở.
Khi trưng bày một phối cảnh, phải đặt vấn đề là mình muốn diễn đạt cái gì và góc nào cho cách nhìn tối ưu nhất; Nếu muốn thể hiện về mối liên hệ giữa những không gian phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, không gian sinh hoạt gia đình, mối liên hệ trong ngoài thì cách thể hiện như thế nào để rõ ràng, cô đọng nhất, màu sắc, tô vẽ vật liệu, ánh sáng có thực sự cần thiết trong trường hợp này không?
 
Art plastique - nghệ thuât đề cao tư duy lý luận.
Nghệ thuật là môn học được coi có liên quan mật thiết nhất với môn đồ án. Đối với nhiều sinh viên ban đầu, nghệ thuật chỉ mang đến những giá trị thẫm mĩ hoàn toàn cảm tính. Sự dẫn dắt của giáo viên trong quá trình làm việc, những buổi đi tham quan bảo tàng, cách đánh giá kết quả sẽ giúp sinh viên nhận ra nghệ thuật cũng cần những tư duy, lý luận đằng sau giá trị về hình thức thẩm mĩ. 
Cũng giống như môn đồ án, những bài tập của môn học luôn đặt ý tưởng lên quan trọng hơn kỹ năng thể hiện, ý tưởng là cốt lõi làm nên giá trị của sự sáng tạo, thể hiện là một sự hình thức hóa để truyền đạt ý tưởng cho người khác.
Môn học này không chỉ nhằm giúp sinh viên nhạy cảm với cái đẹp, học cách phân tích đánh giá nghệ thuật mà còn kích thích sự sáng tạo và thói quen tư duy về thẩm mĩ.
 
Theorie de l’architecture
Thực ra thì chương trình của môn học này khá đa dạng. Nhưng mục tiêu chính thường hướng cho sinh viên học cách nhìn nhận kiến trúc, đánh giá, lập luận về nó như một môn khoa học.
Ở trường Paris La Villette, môn lý thuyết kiến trúc năm đầu tiên đề cập chủ đề hình thái không gian kiến trúc, đô thị. Thông qua những trích đoạn, bài viết của các kiến trúc sư nổi tiếng, như Mies Van der Rohe, Gropius, Louis Kahn, Peter Zumthor,… và sự so sánh đối chiếu giữa các thời kì,các giai đoạn và phong cách kiến trúc, môn học giúp sinh viên hiểu những logic trong sự hinh thành kiến trúc và đô thị và tập làm quen với những quan điểm lý luận.
 

Nguồn: Association des Architectes Vietnamiens en France - AAVF

Biên soạn: TRẦN HOÀNG ANH - TRẦN QUỐC BẢO


đào tạo kiến trúc tại Pháp, tư duy kiến trúc, rèn luyện tư duy thiết kế, archi logic, quy trình làm đồ án kiến trúc, đào tạo kiến trúc, phương pháp lập luận kiến trúc
BÌNH LUẬN
THÔNG BÁO

LỊCH HỌC DỰNG HÌNH SKETCHUP CĂN BẢN TỔNG HỢP - THÁNG 10/2020

Nội dung cụ thể bạn vui lòng xem trên poster nhé.
T.H.K.T chân thành cảm ơn bạn <3

Đồng phục của Hutech "nhuộm màu" lớp học của T.H.K.T ^^

Đây là lớp Đào tạo DỰNG HÌNH SKETCHUP CĂN BẢN chiều ngày 06/01/2016, một lớp toàn các Sinh viên Nội thất của trường Hutech tại T.H.K.T

Chúng tôi luôn cố gắng đem đến SỰ HÀI LÒNG CHO CÁC BẠN! ^^
Cảm ơn các bạn rất nhiều! <3

Youtube
BÀI VIẾT MỚI
Facebook
Truy cập trong ngày : 3826
Truy cập trong tuần : 12089
Truy cập trong tháng : 63471

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN - 0916 172 173